Nam Anh Em Tren Mot Chiec Xe Tang Bai Ca Di Cung Nam Thang Cua Nha Tho Huu Thinh 3

Năm anh em trên một chiếc xe tăng | Bài thơ Trên Một Chiếc Xe Tăng là một kiệt tác nổi tiếng gắn liền với nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam. Bài thơ với lời lẽ ngọt ngào không kém phần mãnh liệt của ý chí chiến đấu của người lính và tình đồng chí đồng đội keo sơn

Với lời thơ dạt dào mà ý nghĩa tác phẩm đã được nhạc sĩ Doãn Nho phổ nhạc thành ca khúc Năm Anh Em Trên Một Chuyến Xe Tăng đi vào lòng người

Ngay bây giờ mình cùng nhau đón xem bài thơ này nhé!

Trên một chiếc xe tăng

Năm anh em trên một chiếc xe tăng,
Như năm bông hoa nở cùng một cội,
Như năm ngón tay trên một bàn tay,
Ðã xung trận cả năm người như một.
Vào lính xe tăng anh trước anh sau,
Nết ăn ở người thì lạnh, nóng,
Khi đã hát hòa cùng một giọng,
Một người đau tất cả quên ăn.
Năm anh em mỗi đứa một quê,
Ðã lên xe là cùng một hướng,
Đã lên xe là chung khổ sướng,
Trước quân thù nhất loạt xông lên.
Năm anh em mang năm cái tên,
Đã lên xe không còn tên riêng nữa,
Trên tháp pháo một ngôi sao màu lửa,
Năm quả tim một nhịp đập dồn.
Một con đường đất đỏ như son,
Một màu rừng xanh bạt ngàn hy vọng,
Một ý chí bay ra đầu ngọn súng,
Một niềm tin nghiến nát mọi quân thù

Phân tích bài thơ Trên Một Chiếc Xe Tăng của nhà thơ Hữu Thỉnh

Nhà thơ Hữu Thỉnh nguyên là lính xe tăng. Ông viết bài thơ Năm Anh Em Trên Một Chiếc Xe Tăng vào thời điểm mở chiến dịch Đường 9 Nam Lào, tháng 4/1970, lúc ông làm cán bộ tuyên huấn binh chủng Tăng – Thiết giáp…

Hôm đó Hữu Thỉnh ghé thăm một chiếc tăng T34 (loại tăng biên chế 5 người) và ăn bữa cơm với rau tàu bay cùng cánh lính trẻ. Trong bữa cơm thân mật đó, cảm xúc dâng trào, ông đã phác thảo hoàn chỉnh bài thơ “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”. Bài thơ ngay lập tức được gửi đăng tải trên báo Nhân Dân. Liền sau đó được hai nhạc sỹ Doãn Nho và Huy Thục cùng chọn để phổ nhạc. Nhưng bài của Doãn Nho (nhịp 2/4) đến trước với âm hưởng ca khúc hùng tráng, tự hào pha lẫn trữ tình. Còn sáng tác của Huy Thục đến sau và chủ yếu mang âm hưởng trữ tình nên Hội nhạc sỹ VN đã quyết định chọn sáng tác của Doãn Nho. Bài hát nhanh chóng được phổ biến trong toàn quân đặc biệt là trong binh chủng

Xem Thêm:   Đầu Lòng Hai Ả Tố Nga – Câu Thơ Đặc Sắc Của Truyện Kiều (Nguyễn Du)

Bài thơ viết về chiếc xe tăng và những người lính trong đó nhưng cái hay, cái độc đáo và khéo léo của tác giả để làm toát lên cái hồn vía của bài thơ là chính là ở chỗ chỉ xoay quanh hai đơn vị số học “năm” (5) và “một” (1)

” Năm anh em trên Một chiếc xe tăng

Như năm bông hoa nở cùng một cội

Như năm ngón tay trên một bàn tay

Đã xung trận cả năm người như một

Năm anh em mỗi đứa một quê

Đã lên xe là cùng một hướng ”

Bằng lối đối ngôn từ chan chát, đồng hiện (năm – một, một – năm) và nghệ thuật so sánh rất dung dị, dễ hiểu, Hữu Thỉnh đã đưa người đọc liên tưởng đến sự gần gũi mộc mạc của hình ảnh “năm bông hoa nở cùng một cội”và “năm ngón tay trên một bàn tay” không thể tách rời mà ai cũng dễ nhận, dễ cảm. Để từ đó làm cứ liệu dẫn vào cái nội dung chính cần biểu đạt ở khổ thơ tiếp theo:

” Vào lính xe tăng anh trước anh sau

Cái nết ở ăn mỗi người một tính

Nhưng khi hát ta hòa cùng một nhịp

Một người đau là tất cả quên ăn

Năm anh em mỗi đứa một quê

Đã lên xe là cùng một hướng

Nổ máy lên là một dạ xung phong

Trước quân thù chỉ biết có tiến công…”

Tác giả khéo vận dụng và phát triển ý của câu tục ngữ “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” trong câu “Một người đau, ta tất cả quên ăn” bởi “năm ngón tay trên một bàn tay” lỡ có “mệnh hệ” gì thì cả “bàn tay” ấy dễ gì còn có thể làm được việc (?!)

Tác giả cũng vận dụng ý thơ của Chính Hữu trong bài ĐỒNG CHÍ, thời kháng Pháp:

“Anh với tôi, đôi người xa lạ/ Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau…” vào trong câu thơ của mình “Năm anh em mỗi đứa một quê/ Đã lên xe là cùng một hướng…”

Tất cả để nói lên cái ý chí tiến công, cái sức mạnh của tinh thần đoàn kết, gắn bó, tinh thần yêu thương nhau và trên hết là tinh thần yêu nước: “hòa cùng một nhịp”, “cùng một hướng”, “một dạ xung phong” và ” trước quân thù chỉ biết tiến công” để góp phần cùng toàn quân và toàn dân ta đẩy nhanh cuộc kháng chiến chống Mỹ đến đích cuối cùng!

Khổ thơ tiếp theo như một sự minh họa và củng cố cái phẩm chất cách mạng rất đỗi kiên cường nhưng cũng mềm mại, dễ thương giàu tính trữ tình trong tâm hồn mỗi người lính. Đó chính là phẩm chất truyền thống của quân đội ta, uy phong lẫm liệt, ngoan cường trước kẻ thù nhưng lại hết mực nhân văn bình dị và sáng trong trong tâm hồn không kém phần lãng mạn. Hai phẩm chất đó hòa quyện, đan xen trong tâm hồn và cốt cách của người lính để làm nên hình tượng anh “Bộ đội Cụ Hồ” ngời sáng trong tình cảm của mỗi người Việt Nam chân chính:

” Năm anh em ta mang năm cái tên

Khi lên xe không còn tên riêng nữa

Trên tháp pháo một ngôi sao màu lửa

Năm quả tim chung nhịp dập dồn

Một con đường đất đỏ như son

Một màu rừng xanh bạt ngàn hy vọng…”

Để rồi hòa trong cái chung mang tính cộng đồng, tập thể tiêu biểu cho ý chí đoàn kết, “Không còn tên riêng nữa”; “Năm quả tim chung nhịp dập dồn” vào một mục đích duy nhất, tất cả cho chiến thắng tất cả cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng

Xem Thêm:   1# Học tiếng Trung qua bài hát : Nơi này có anh - Sơn Tùng M-TP

Đến đây đại lượng “năm” mờ đi, ẩn đi, nhường chỗ cho đại lượng “một” xuất hiện dày đặc, dồn dập, khẩn trương, gấp gáp bằng lối điệp từ và điệp cú pháp rất thần tình như hồi kèn xung trận, như mệnh lệnh xung phong trên chiến trận, trước kẻ thù:

Một ngôi sao màu lửa

Một con đường đất đỏ như son

Một màu rừng xanh bạt ngàn hy vọng

Một ý chí bay ra đầu ngọn súng

Một niềm tin quyết thắng trong trận này…

Bài thơ có cấu trúc mở, thắt khá rõ. Mở là ra đi chiến đấu, lập công. Thắt là niêm kiêu hãnh chiến thắng trở về. Nốt thắt là câu cuối cùng, đỉnh điểm thâu tóm toàn bộ bài thơ. Đây là mối quan hệ nhân quả mang tính mục đích rất rõ. Mục đích chính là mục tiêu cuối cùng của dân tộc ta: quét sạch bọn xâm lược và bè lũ tay sai để đất nước ta ca khúc khải hoàn thu giang sơn về một mối.

Nhưng, sẽ là thiếu sót nếu như bài thơ chỉ dừng lại là một bài thơ thì e rằng sức lay động, chuyển tải và hiệu ứng lan tỏa của nó cũng chỉ hạn hẹp trong một phạm vi nhất định.

Nhưng một sự tương ngộ và đồng điệu đã đưa nhà thơ đến với nhạc sỹ, thi phẩm trở thành nhạc phẩm. Hai tâm hồn, tư tưởng và tình cảm lớn đã gặp nhau. Sự đồng điệu và giao thoa toàn phần ấy đã chắp cánh cho hồn thơ “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” vút lên bay bổng thăng hoa trên bầu trời âm nhạc Việt Nam bởi ca khúc cùng tên của Nhạc sỹ tài ba và vô cùng có duyên viết về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng có cái tên quen thuộc DOÃN NHO!

Xem Thêm:   1001+ STT Tâm Trạng Về Tình Yêu & Cuộc Sống Hay Nhất

Bằng tiết tấu mô phỏng, nhịp đi, nhịp quân hành (2/4 ), nhạc sỹ đã dẫn dắt ca khúc đi từ thấp lên cao, từ chậm rãi đến nhanh dần, từ nhanh dần đến nước rút gấp gáp khẩn trương để dồn về đích.

Năm anh em/ trên một chiếc/ xe tăng

Như năm/ bông hoa/ nở cùng/ một cộ

Như năm/ ngón tay/ trên một/ bàn tay

Đã xung trận/ cả năm người/ như một…v.v…

Bằng sự cọ xát, trải nghiệm trên chiến trường và am tường về thực tế chiến trận, kết hợp với kiến thức, nhạc lý cơ bản về âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc chiến trận nên Doãn Nho đã sáng tạo, phá cách ở nhịp điệu, tiết tấu, cung bậc cảm xúc để “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” có âm hưởng hùng ca của sử thi, hào sảng, đĩnh đạc âm vang hùng tráng của tư thế người thắng trận. Kết hợp giọng kể (tự sự) và giọng tả (trữ tình) rất hài hòa nên làm cho ca khúc không khô cứng, hô hào, mệnh lệnh. Ngược lại tuy hùng tráng mà trữ tình, mềm mại, cuốn hút, lay thức trái tim người nghe, giúp họ “nhập hồn”, “nhâp cuộc” bài hát một cách vô thức mỗi khi được cất lên (nghe bản nhạc cất lên, dù ai đó đang làm gì cũng lẩm nhẩm hoặc hát to theo lời và nhạc của bài hát mà có khi không biết mình đang hát…).

Đã gần trọn nửa thế kỷ đi qua kể từ 1970, nhưng thi phẩm, nhạc phẩm NĂM ANH EM TRÊN MỘT CHIẾC XE TĂNG như mới được sáng tác hôm qua mà mỗi lần cất lên ta nghe trong lòng náo nức hoan ca, sục sôi khí phách dân tộc. Ta như được sống lại một thời cả nước ra trận để lấy lại non sông.

Cảm ơn thi sỹ và nhạc sỹ đã để lại cho đời một ca khúc bất hủ trước thời gian và biến thiên của cuộc sống

Thế hệ vàng các thi sỹ, nhạc sỹ ấy rồi cũng dần qua đi. Nhưng tên tuổi cùng sự nghiệp sáng tác và các thi phẩm, nhạc phẩm của các ông sẽ mãi mãi đi cùng năm tháng và cùng dân tộc trong tiến trình lịch sử của mình…

Trên đây đã dành tặng các bạn một bài thơ đặc sắc mang ý nghĩa cao cả. Bài thơ ca ngợi tình đồng đội keo sơn cùng một ý chí quyết tâm mãnh liệt của những người lính. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết này của chúng tôi!

Website: meliawedding.com.vn

About The Author